• TRANG CHỦ
  • HÌNH ẢNH
  • VIDEO
  • SƠ ĐỒ WEB
  • GIỚI THIỆU CHUNG
    Khái quát về công ty
    Cơ cấu tổ chức
    Lịch sử phát triển
    Danh bạ, thông tin liên hệ
    SẢN PHẨM
    Ngành nghề kinh doanh
    Sản phẩm công ích
    Sản phẩm xây lắp
    QUY HOẠCH - KẾ HOẠCH
    Chiến lược phát triển
    Kế hoạch hàng năm
    Kế hoạch 5 năm
    Đổi mới hàng năm
    DỰ ÁN - ĐẦU TƯ
    Dự án đã hoàn thành
    Dự án đang triển khai
    Dự án bị trì hoãn
    Kết quả đầu tư hàng năm
    Lãng phí một công trình thuỷ lợi
    Thời gian đăng: 6/10/2015 9:46:36 PM
    ĐBP - Đưa vào sử dụng đã 5 năm nay, vậy nhưng diện tích ruộng thực tưới chỉ đạt 16,8% so với thiết kế, trong khi đó, hàng ngày đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác là Công ty TNHH thuỷ nông Điện Biên vẫn phải bố trí 3 cán bộ túc trực bảo vệ, cấp nước, phân lũ trong mùa mưa.

    Và nữa, để thực hiện dự án này, có hẳn một bản phải di dân để lấy đất sản xuất, nhưng nay vẫn không thực hiện được. Đấy là thực trạng của dự án hồ thuỷ lợi Sái Lương, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên mà chúng tôi muốn đề cập trong phóng sự này...

    Nước hồ đổ xuống khe

    Tháng 8, thời tiết thất thường lúc mưa lúc nắng. Đang nắng như đổ lửa bỗng dưng mây đen xám xịt kéo đến, trời nổi gió rồi mưa như trút nước đã làm hành trình của chúng tôi về xã Núa Ngam chậm hơn dự kiến. Do có hẹn từ trước, vì vậy ngay sau khi đặt chân đến UBND xã, ông Lò Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã đã chờ sẵn và bố trí người dẫn chúng tôi lên hồ Sái Lương để được mắt thấy tai nghe công trình thuỷ lợi mà như phản ánh của bà con “nước hồ đang đổ xuống khe” là chính chứ đổ vào ruộng rất ít, rất lãng phí.

    Hệ thống kênh, mương bê tông cấp 1, cấp 2 từ hồ đã dẫn về đầu bãi tưới,

    nhưng lại không có ruộng để tưới theo thiết kế. Ảnh: T.T

    Theo thông tin có được thì hồ thuỷ lợi Sái Lương xây dựng từ năm 2003 đến năm 2006 hoàn thành. Chủ đầu tư và nhà thầu đều của Bộ Nông nghiệp - PTNT nên mới không mấy người biết tổng số tiền xây dựng. Sau khi thi công xong thì bàn giao cho tỉnh Điện Biên và theo quy định, Công ty TNHH thuỷ nông Điện Biên được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác hồ. Như thiết kế, công trình đáp ứng năng lực tưới cho 95ha lúa ruộng 2 vụ/năm của nông dân 6 bản: Pa Ngam 1, 2, Loọng Sọt, Phú Ngam, Hát Hẹ và Ta Lét, nhưng hiện tại chỉ tưới cho 16ha (bằng 16,8% diện tích).

    Ngược dòng quá khứ, đó là khi biết tin có công trình thuỷ lợi lớn được xây dựng tại xã, bà con vui mừng khôn xiết. Không vui sao được, khi đời sống của bà con từ xưa đến nay vốn dĩ nghèo khó là do thiếu ruộng nước sản xuất lúa. Là hộ nông nghiệp, nhưng thu nhập chỉ trông chờ vào lúa nương, ngô và sắn, điều kiện canh tác không thuận lợi, nhiệt độ thời tiết ngày càng khắc nghiệt dẫn tới năng suất thấp. Những tưởng sau khi có công trình thuỷ lợi, cuộc sống người dân sẽ “sang trang mới” nhờ có đủ ruộng theo hạn mức sản xuất 2 vụ/năm, nhưng thực tế không phải vậy. Mặt hồ rộng 13,2ha, dung tích chứa 0,6 triệu m3 nước, kênh mương chính cấp 1, cấp 2 đã khép kín dẫn về tận các thửa ruộng, nhưng do Nhà nước không có tiền hỗ trợ khai hoang ruộng nên nhân dân cũng không đầu tư mở rộng diện tích. Để an toàn hồ chứa, nhất là trong những tháng mùa mưa, Công ty TNHH thuỷ nông Điện Biên phải tăng cường xả nước xuống khe suối để đảm bảo an toàn.

    Nghèo thêm một bản nghèo

    Ta Lét là 1 trong 6 bản được hưởng lợi từ công trình hồ Sái Lương. Tuy nhiên, để có ruộng sản xuất, tất cả 76 hộ dân nơi đây (con số lập năm 2007, nay đã tăng lên gần 100 hộ) đã chấp nhận đánh đổi bằng cái giá khá đắt, đó là phải di chuyển lên khu vực cao hơn quanh các sườn núi tái định cư để Nhà nước lấy đất khai hoang, phục hoá sau đó chia lại cho dân. Trong 2 năm (2007 - 2008), lần lượt các hộ dân bản Ta Lét đã tháo dỡ nhà cửa, vật kiến trúc... chuyển lên nơi ở mới. Trong quá trình di dời, Nhà nước đã hỗ trợ cho mỗi gia đình 10 triệu đồng gọi là tiền di chuyển nhà, các khoản đền bù, hỗ trợ khác theo quy định Nhà nước “xin nợ” và sẽ trả sau. Từ đó đến nay đã 4 - 5 năm (tuỳ vào từng gia đình chuyển sớm hay mộn), bà con dân bản “đợi dài cổ” vậy mà chẳng thấy tiền đền bù, hỗ trợ của cấp trên đâu.

    Chúng tôi ghé thăm nhà anh Lường Văn Hương ở khu tái định cư mới bản Ta Lét. Trong căn nhà lợp ngói prôximăng hạn chế về không gian, bốn phía trát vách đất đã mục nát nhiều chỗ, đồ đạc trong nhà không có gì đáng giá, ngoài những tấm đệm, chăn bông cáu bẩn vứt lộn xộn tại một góc nhà. Anh Hương nói: Theo chủ trương của huyện, năm 2008 tôi chuyển nhà lên đây. Cứ tưởng chuyển nhà lên để lấy đất trồng lúa nước, cuộc sống đỡ khó khăn, nhưng không ngờ... Gia đình anh Hương có 3.000m2 nương (không có ruộng nước), mỗi năm thu được 10 bao thóc. Với số lương thực trên phục vụ 4 miệng ăn, tiền sinh hoạt hàng ngày của gia đình đều trông chờ vào bán thóc, ngô nên mỗi năm đều thiếu đói 2 - 3 tháng. Thấy chúng tôi quan tâm đến vấn đề chuyển cả bản để lấy đất làm ruộng tại nhà anh Hương, chị Lò Thị Lẩu sống bên cạnh cũng sang góp chuyện: Nhà mình chuyển lên đây năm 2008. Đến nơi ở mới, xã tạm cấp cho 800m2 đất làm nhà và vườn. So với nơi ở cũ, đất chật hơn, điều kiện về giao thông, thuỷ lợi, nước sinh hoạt... cũng khó khăn hơn. Biết không thể quay lại nơi “chôn nhau cắt rốn” dựng nhà được nữa, vì chuyển đi chuyển lại thì lấy đâu ra tiền nên chị Lẩu nói giọng rầu rĩ như khẩn cầu: Mong Nhà nước sớm hoàn thiện chính sách đền bù, hỗ trợ tiền để cho gia đình đỡ khổ!

    Được biết, đến thời điểm này, cơ bản các hộ dân bản Ta Lét đã chuyển nhà cửa, tài sản lên khu tái định cư mới. Và như trên đã nói, trong quá trình chuyển nhà, mỗi hộ gia đình mới được hỗ trợ 10 triệu đồng, các khoản đền bù khác vẫn đang là lời hứa. Cổ nhân có câu “một lần làm nhà, 3 năm trả nợ”, phần lớn người dân bản Ta Lét là hộ nghèo, nhiều gia đình thiếu ăn trong mùa giáp hạt, nay lại “cõng” thêm nợ nần do phải vay mượn thêm tiền để dựng nhà.

    Đừng để dân mất lòng tin

    Đưa những thông tin trên trao đổi với bà Trần Thị Tuyết, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Điện Biên, đơn vị được UBND huyện giao nhiệm vụ lập dự án bố trí, sắp xếp dân cư bản Ta Lét, được biết: Hồ thuỷ lợi Sái Lương là một dự án riêng, vốn do Bộ Nông nghiệp - PTNT đầu tư. Còn dự án di dân tái định cư bản Ta Lét để lấy ruộng sản xuất là vốn địa phương, cụ thể là của tỉnh. Tháng 7/2007, theo chỉ đạo của huyện Điện Biên, Phòng Nông nghiệp - PTNT đã xây dựng đề án với đầy đủ các phần việc: di dân, đền bù, hỗ trợ tiền cho bà con; quy hoạch lại phương án sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng phúc lợi phục vụ nhân dân, với tổng kinh phí trên 9 tỷ đồng. Nguồn vốn trên dự kiến sẽ lấy từ 8 chương trình, dự án khác nhau. Trong 4 năm (2007 - 2010), huyện sẽ hoàn thành toàn bộ công tác di dân, đền bù, hỗ trợ... cho người dân bản Ta Lét theo đúng kế hoạch, đảm bảo bà con đến nơi ở mới cuộc sống sẽ tốt hơn nơi ở cũ. Để tiến độ di dân được thuận lợi, nhanh chóng, UBND huyện kết hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã Núa Ngam vận động, thuyết phục bà con di chuyển trước, tiền đền bù sẽ trả sau. Chính vì vậy, trong 2 năm 2007 và 2008, cơ bản các hộ dân đã tự nguyện chuyển lên khu tái định cư mới. Mọi việc suôn sẻ thì chẳng có gì để nói, đằng này, sau khi trình dự án lên cấp trên, do thiếu nguồn nên mới dẫn đến tình trạng dân đã chuyển nhà đến nơi khác, còn ruộng thì không khai hoang được. Bà Tuyết cho biết thêm: Trước đây (năm 2007), huyện lập dự án khai hoang ruộng nước 2 vụ không có tiền nên không thực hiện được, còn hiện nay, nếu đền bù, hỗ trợ tiền cho dân, kiến thiết hạ tầng cơ sở đầy đủ, đồng bộ thì số tiền phải tăng gấp đôi thậm chí gấp 3 lần cho trượt giá.

    Trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Lò Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Núa Ngam nhiều lần nhắc đến cụm từ đừng để người dân mất lòng tin. Ông Chiến kể: Mấy năm gần đây, mỗi lần lãnh đạo tỉnh, huyện và ngành Nông nghiệp về xã công tác, chính quyền địa phương, nhân dân bản Ta Lét phản ánh, kiến nghị tình trạng Nhà nước nợ tiền của dân, cần sớm hoàn thiện dự án khai hoang ruộng nước cấp đất cho dân sản xuất, trước tiên là để dân đỡ khổ, sau nữa là công trình thuỷ lợi Sái Lương không bị lãng phí.

    Trần Toại
    Các tin bài khác
    Thông báo tuyển dụng đợt 1 năm 2024
    THÔNG BÁO
    QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT BÁO CÁO TÀI CHÍNH VÀ PHƯƠNG ÁN PHÂN PHỐI LỢI NHUẬN, TRÍCH LẬP CÁC QUỸ NĂM 2022 CỦA CÔNG TY TNHH QUẢN LÝ THỦY NÔNG ĐIỆN BIÊN
    CÔNG KHAI THỰC HIỆN DỰ TOÁN THU-CHI NGÂN SÁCH QUÝ III NĂM 2023
    QUYẾT ĐỊNH CÔNG BỐ CÔNG KHAI QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NĂM 2022
    BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ CÔNG ÍCH VÀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI NĂM 2022
    BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ VỀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SẢN XUẤT KINH DOANH NĂM 2022
    THÔNG BÁO VỀ VIỆC TỔ CHỨC ĐẤU GIÁ CHO THUÊ MẶT NƯỚC HỒ CHỨA NƯỚC NA HƯƠM, XÃ NA TÔNG , HUYỆN ĐIỆN BIÊN
    Thông báo mời đấu giá nuôi trồng thủy sản trong hồ chứa nước Na Hươm, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên
    QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT KHSXKD NĂM 2023
    Trang:
    1-10 of 86<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  >
    LIÊN KẾT WEBSITE